Triều đại Basíleios I

Basileios I trên lưng ngựa lấy từ quyển biên niên sử Chronikon của Ioannes Skylitzes.

Basileios I đã mở đầu một thời đại mới trong lịch sử của Đế quốc Đông La Mã, kết hợp với triều đại mà ông sáng lập gọi là "nhà Makedonia". Triều đại này đã chứng kiến một thời kỳ bành trướng lãnh thổ, mà Byzantium được coi là cường quốc mạnh nhất châu Âu và miền Đông Địa Trung Hải. Đáng chú ý là Basileios I đã trở thành một vị vua gây ấn tượng và được tôn trọng, cầm quyền 19 năm, bất chấp xuất thân thấp kém không được học hành đến nơi đến chốn và chẳng có chút kinh nghiệm nào về quân sự hoặc hành chính. Hơn nữa, ông còn là người bạn vui tính của một vị vua trụy lạc và đã đạt được quyền lực thông qua một loạt các vụ giết người chủ mưu. Rất ít phản ứng chính trị liên quan đến vụ sát hại Mikhael III có lẽ là do ông không được lòng giới quan lại Constantinopolis vì thái độ thiếu quan tâm đến các nhiệm vụ hành chính với bổn phận của một vị hoàng đế. Ngoài ra, việc công khai thể hiện hành động bất kính của Mikhael nhìn chung đã làm cho dân chúng chán ghét và xa lánh ông. Một khi nắm được quyền hành trong tay, Basileios đã sớm cho thấy rằng ông có ý định trị vì một cách hiệu quả và sớm nhất là trong buổi lễ đăng quang, ông đã bày tỏ lòng mộ đạo công khai bằng việc chính thức dâng vương miện của mình cho Chúa Kitô. Danh tiếng về lòng mộ đạo thông thường và sự chính thống được hoàng đế duy trì trong suốt triều đại của mình.[12]

Đối nội

Để đảm bảo cho cả gia tộc của mình nắm vững ngai vàng, Basileios I đã đưa người con trưởng Konstantinos (năm 869) và người con thứ hai của ông Leon (năm 870) leo lên địa vị đồng hoàng đế. Nhờ vào tác phẩm về lập pháp vĩ đại mà Basileios I đảm nhiệm, ông thường được mệnh danh là "Justinianus thứ hai". Luật lệ của Basileios được thu thập trong bộ Basilika, gồm sáu mươi quyển, và những cuốn sách hướng dẫn pháp lý nhỏ hơn nhan đề Eisagoge. Leon VI chịu trách nhiệm hoàn chỉnh các tác phẩm pháp chế này. Basilika vẫn còn là luật lệ của Đế quốc Đông La Mã mãi đến lúc bị người Ottoman chinh phục. Trớ trêu thay, pháp điển hóa luật này dường như đã bắt đầu dưới sự chỉ đạo của caesar Bardas mà sau này bị Basileios mưu hại.[13] Hoàng đế còn tỏ ra khá thận trọng trong việc quản lý tài chính. Ý thức được lòng mong muốn sánh ngang với Hoàng đế Justinianus I (trị vì 527–565), Basileios cũng khởi xướng một chương trình xây dựng đồ sộ ở Constantinopolis, được tán dương qua việc xây dựng nhà thờ chính tòa Nea Ekklesia.

Chính sách về giáo hội của ông được đánh dấu bởi mối quan hệ tốt đẹp với Roma. Một trong những hành động đầu tiên của hoàng đế là lưu đày vị Thượng phụ Constantinopolis, Photios, và khôi phục lại vị thế cho kẻ thù của Photios là Ignatios, mà lời thỉnh cầu của vị này lại được sự ủng hộ của Giáo hoàng Adrianus II.[1] Tuy nhiên, Basileios không hề có ý định nhân nhượng Roma vượt quá một điểm nhất định nào cả. Quyết định của Boris I xứ Bulgaria nhằm gắn kết Giáo hội Bulgaria mới với Constantinopolis đã giáng một đòn chí mạng vào Roma, vốn hy vọng nó sẽ an toàn cho bản thân mình. Nhưng cái chết của Ignatios vào năm 877, Photios lại trở thành Thượng phụ một lần nữa, và điều này trên thực tế đã dẫn đến sự tuyệt giao với Roma dù chưa phải chính thức. Đây là một sự kiện bước ngoặt trong cuộc xung đột dẫn đến vụ Đại Ly giáo mà cuối cùng đã biến Giáo hội Công giáo La MãGiáo hội Chính thống giáo Đông phương trở thành những thực thể giáo hội riêng biệt.

Đối ngoại

Triều đại của hoàng đế Basileios được đánh dấu bởi các cuộc chiến tranh phiền toái đang diễn ra với lực lượng dị giáo Paulicia, tập trung tại Tephrike trên bờ thượng lưu sông Euphrates, đã nổi loạn và liên minh với người Ả Rập, rồi đánh phá đến tận Nicaea và cướp bóc Ephesus. Basileios quyết định cử tướng Christopheros mang quân đánh dẹp tín đồ Paulicia vào năm 872, chỉ đến khi lãnh tụ của họ là Chrysocheir từ trần thì triều đình mới khuất phục hẳn cuộc bạo loạn của giáo phái này.[14] Riêng một cuộc chiến tranh biên giới như thường lệ với người Ả Rập ở Tiểu Á chỉ đạt được chút xíu lợi ích, nhưng khiến cho biên giới phía đông của đế quốc được củng cố phần nào. Đông La Mã còn giành lại đảo Síp nhưng chỉ giữ được có bảy năm.

Basileios là vị hoàng đế Đông La Mã đầu tiên kể từ thời Konstans II (trị vì 641–668) theo đuổi một chính sách tích cực nhằm khôi phục lại sức mạnh của đế quốc ở phương Tây. Ông liên minh với Hoàng đế La Mã Thần thánh Ludwig II (trị vì 850–875) chống lại người Ả Rập và phái một hạm đội gồm 139 tàu chiến tới càn quét các cuộc đột kích của họ trên vùng biển Adriatic. Nhờ sự trợ giúp của Đông La Mã mà Ludwig II đã chiếm được Bari từ tay quân Ả Rập vào năm 871. Thành phố này sau cùng trở thành lãnh thổ của Đông La Mã vào năm 876. Tuy nhiên, vị trí của Đông La Mã trên đảo Sicilia trở nên xấu đi và Siracusa sớm rơi vào tay Tiểu Vương quốc Sicilia vào năm 878. Đây rốt cuộc là do lỗi của Basileios thay vì điều tàu tới giải vây thành phố thì lại chuyển sang chở đá cẩm thạch cho một nhà thờ. Mặc dù hầu như toàn bộ đảo Sicilia đã bị mất, tướng Nikephoros Phokas (Già) vẫn thành công trong việc đánh chiếm Taranto và toàn vùng Calabria vào năm 880. Những thành công trên bán đảo Ý đã mở ra một thời kỳ mới dưới sự thống trị của Đông La Mã tại đây. Trên hết, người Đông La Mã đã bắt đầu thiết lập một sự hiện diện mạnh mẽ ở vùng biển Địa Trung Hải và đặc biệt là vùng biển Adriatic.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Basíleios I http://data.rero.ch/02-A017729586 http://books.google.com/?id=O5JqH_NXQBsC http://books.google.com/?id=nYbnr5XVbzUC http://books.google.com/books?id=CH0OAAAAQAAJ http://books.google.com/books?id=XjsjAQAAIAAJ http://books.google.com/books?id=gXCl9P0vKS4C http://www.intratext.com/X/ENG0832.HTM http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://www.archive.org/details/ahistoryeastern00bu... https://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut...